Báo cáo tài chính quý I của Tổng công ty cổ phần Y tế Danameco (DNM) cho thấy, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu tăng 225% so với cùng kỳ, với 127 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận gộp tăng 134%, đạt 24 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ chi phí, lãi sau thuế của Danameco tăng trên 650%, đạt 8,2 tỷ đồng, bằng mức lãi cả năm 2019. Theo giải trình của doanh nghiệp này với Uỷ ban Chứng khoán, doanh thu và lãi có được từ việc đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng chủ lực là khẩu trang y tế, đồ bảo hộ chống dịch. Doanh nghiệp còn đầu tư máy móc, tăng năng lực sản xuất và mở rộng thị trường. Điều này giúp lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng hơn 7 tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng Danameco tăng lãi gần 2,4 tỷ đồng.
Không riêng đơn vị chuyên sản xuất sản phẩm phục vụ y tế như Danameco, khẩu trang vải và đồ phòng dịch cũng là mặt hàng "cứu" sự sụt giảm doanh thu của các doanh nghiệp ngành dệt may trong quý I năm nay.
Trong số này, doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất mặt hàng mới thành công phải kể đến Công ty cổ phần Đầu tư & Thương mại TNG (Thái Nguyên). Báo cáo tài chính quý I của doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu nội địa tăng 10% so với cùng kỳ, đạt hơn 770 tỷ đồng. Riêng 2 tháng đầu năm, doanh thu nội địa của TNG tăng đến 240% so cùng kỳ 2019.
Nhờ đó, lũy kế 3 tháng đầu năm TNG chỉ giảm doanh thu 4% trong bối cảnh chỉ tiêu mảng cốt lõi ngành dệt may ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 do nguyên phụ liệu nhập khẩu bị chậm, đơn hàng truyền thống bị hủy, hoãn.
Theo ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch TNG, nhờ việc nhanh chóng chuyển hướng sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn phòng dịch ngay khi thị trường xuất khẩu các đơn hàng truyền thống gặp khó, giúp doanh nghiệp này vượt qua sóng gió Covid-19.
Ngoài khẩu trang vải kháng khuẩn, TNG dự kiến sản xuất khẩu trang y tế từ trung tuần tháng 5 khi nguyên liệu và máy móc thiết bị nhập về đầy đủ. Đơn vị này cũng sản xuất quần áo bảo hộ y tế phòng dịch với công suất 100.000 bộ một ngày. Các mặt hàng này mở ra hướng xuất khẩu tốt trong quý II khi các quốc gia trên thế giới đang trong "cơn khát" khẩu trang, quần áo bảo hộ phòng dịch.
Còn Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang gồng gánh nhiều chi phí nhưng vẫn ghi nhận doanh thu nội địa tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Song do xuất khẩu sụt giảm khiến doanh thu của tập đoàn giảm 7% so cùng kỳ năm ngoái, thực hiện 20% kế hoạch năm.
Việc sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn đã giúp tập đoàn này và các đơn vị thành viên bù đắp phần thiếu hụt của các sản phẩm truyền thống.